Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

BẢN TIN THUẾ THÁNG 10/2013


http://ketoanthuecantho.blogspot.com/


BẢN TIN THUẾ THÁNG 10/2013


I.    Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 10/2013

1. Lĩnh vực Thuế

Thông tư 111/2013/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ ngày 01/10. Theo đó, các giao dịch chuyển nhượng bất động sản bằng giấy tay từ ngày 01/01/2009 cũng phải nộp thuế TNCN cho từng lần chuyển nhượng; Đối với các giao dịch bằng giấy tay trước ngày 01/01/2009 thì chỉ tính thuế TNCN đối với lần giao dịch cuối cùng. Cũng theo Thông tư, các hợp đồng mua bán nền nhà, ký trước ngày 08/08/2010 (thời điểm có hiệu lực của Nghị định 71/2010/NĐ-CP), nay được chủ đầu tư đồng ý cho cá nhân chuyển nhượng thì khai, nộp thuế TNCN như hướng dẫn đối với nhà ở hình thành trong tương lai.

Nghị định 109/2013/NĐ-CP: giảm mức phạt cho người mua nếu làm mất hóa đơn bán hàng: từ ngày 09/11/2013, nếu người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho người mua) để hạch toán kế toán, kê khai thuế và thanh toán vốn ngân sách sẽ bị phạt tiền đến 4 triệu đồng.
Mức phạt theo quy định mới đã giảm so với trước đây là 5 triệu đồng tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP. Nghị định cũng quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực hóa đơn là 50 triệu đồng.

Nghị định 109 có hiệu lực từ ngày 09/11/2013.

2. Lĩnh vực Xuất Nhập khẩu (XNK)

XNK hàng hóa: Từ ngày 04/10, mặt hàng da trăn có nguồn gốc từ gây nuôi sinh sản sẽ được miễn thuế nhập khẩu theo Thông tư 116/2013/TT-BTC; hồ sơ, thủ tục được quy định cụ thể trong Thông tư.
Xuất nhập cảnh: Từ ngày 05/10, theo Thông tư 08/2013/TTLT/BCA-BNG, công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn cấp, đổi hộ chiếu, giấy thông hành thì ngoài giấy tờ như quy định trước đây còn phải có thêm Giấy xác nhận nhân sự của công dân Việt Nam hiện ở nước ngoài còn giá trị.
 (Nguồn: thuvienphapluat; Xem chi tiết tại đây)

  II.     Áp dụng mức thuế suất thuế TNDN 20% đối với Tổ chức tài chính vi mô

Ngày 27/09/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 135/2013/TT- BTC hướng dẫn áp dụng thí điểm chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Tổ chức tài chính vi mô.
Theo Thông tư này, tổ chức tài chính vi mô được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thành lập trước ngày 01/01/2014 theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 nhưng không đủ điều kiện được áp dụng các chính sách ưu đãi thuế quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì được áp dụng chính sách ưu đãi thuế thí điểm.

Thông tư quy định, áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% trong suốt thời gian hoạt động đối với phần thu nhập có được từ việc thực hiện hoạt động tài chính vi mô. Từ ngày 01/01/2016, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại khoản này chuyển sang mức 17%.

Đối với phần thu nhập có được từ việc thực hiện hoạt động tài chính vi mô được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định được tính liên tục từ năm đầu tiên kể từ khi tổ chức tài chính vi mô có thu nhập chịu thuế từ thực hiện hoạt động tài chính vi mô. Trường hợp tổ chức tài chính vi mô không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ thực hiện hoạt động tài chính vi mô thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 11 năm 2013./.
(Nguồn: Botaichinh; Xem chi tiết tại đây)
 

   III.     Phạt nặng vi phạm hành chính về giá, phí, lệ phí, hóa đơn

Theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn vừa được Chính phủ ban hành, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá là 150 triệu đồng; trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí, hóa đơn là 50 triệu đồng.

Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường. Cũng đối với các hành vi vi phạm trên nhưng trên phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các ấn phẩm thông tin khác thì mức phạt cao gấp nhiều lần, cụ thể là phạt từ 75 đến 100 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định, phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo giá mua thóc gạo xuất khẩu, gian lận trong việc khai báo giá xuất khẩu gạo; không báo cáo hoặc báo cáo không đúng lượng hàng hóa tồn kho dự trữ lưu thông của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Phạt tiền từ 80 đến 120 triệu đồng đối với hành vi xuất khẩu gạo thấp hơn giá sàn gạo xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc quy định.

Gian lận, trốn nộp phí, lệ phí bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền gian lận. Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng khi thực hiện một trong các hành vi: Không công khai chế độ thu phí, lệ phí theo quy định; niêm yết hoặc thông báo không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho người nộp phí, lệ phí. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế; thời gian nộp tiền phí, lệ phí. Đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định sẽ bị phạt tiền với mức phạt tối đa là 50 triệu đồng.

Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp phạt đến 50 triệu đồng. Theo Nghị định, các hành vi vi phạm quy định về mua hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 50 triệu đồng. Cụ thể, nếu không hủy hóa đơn được mua đã hết hạn sử dụng sẽ bị phạt từ 2 đến 4 triệu đồng. Đối với hành vi không khai báo việc làm mất hóa đơn đã mua nhưng chưa lập thì phạt từ 6 đến 8 triệu đồng. Mức phạt từ 20 đến 50 triệu đồng sẽ áp dụng đối với hành vi cho, bán hóa đơn đã mua nhưng chưa lập. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 09/11/2013.
 (Nguồn: tapchithue; Xem chi tiết tại đây)

IV.     Áp dụng chữ ký số trong hải quan điện tử từ tháng 11/2013

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 2341/QĐ-BTC ngày 18/09/2013 về việc ban hành lộ trình triển khai sử dụng chữ ký số công cộng trong thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT). Theo đó kể từ ngày 01/11/2013 người khai hải quan thực hiện sử dụng chữ ký số đã đăng ký với cơ quan hải quan khi thực hiện TTHQĐT theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 87/2012/NĐ-CP và Điều 5 Thông tư số 196/2012/TT-BTC.
Tổng cục Hải quan là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn người khai hải quan thực hiện sử dụng chữ ký số công cộng trong TTHQĐT.

Theo Tổng cục Hải quan, số lượng chứng thư số đã đăng ký với cơ quan hải quan và khai hải quan điện tử là 1.535 chứng thư, với 1.162.879 giao dịch. Qua thời gian thí điểm chữ ký số, đến nay đã hình thành được hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo đủ điều kiện triển khai chính thức; đội ngũ doanh nghiệp và hải quan cũng được chuẩn bị một bước trước khi áp dụng chính thức. Đến thời điểm hiện tại, các công tác chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật cho áp dụng chính thức chữ ký số trong hệ thống TTHQĐT theo Thông tư 196 đã hoàn thành.

Lý giải vì sao chọn 01/11/2013 là thời điểm áp dụng chính thức chữ ký số trong TTHQĐT, Tổng cục Hải quan cho biết: Nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao giá trị pháp lý của các giao dịch khai báo hải quan trong bối cảnh TTHQĐT đã thực hiện chính thức trên toàn quốc, thêm vào đó nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và phòng ngừa lợi dụng. Từ tháng 11/2013, các doanh nghiệp sẽ tham gia vào vận hành thử nghiệm hệ thống VNACCS/VCIS đỏi hỏi phải sử dụng chữ ký số. Bên cạnh đó, cũng cần có thời gian tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp để đăng ký chữ ký số...
(Nguồn: taichinhdientu; Xem chi tiết tại đây)

  V.     Từ ngày 01/01/2014 mở rộng nhiều đối tượng được miễn thuế GTGT

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế Vũ Văn Cường cho biết, một trong những điểm mới của chính sách thuế Giá trị gia tăng (GTGT) được thực thi từ ngày 01/01/2014 là việc mở rộng nhiều đối tượng được miễn thuế GTGT.

Cụ thể gồm: Bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng, bán nợ, kinh doanh ngoại tệ; Tài sản bảo đảm của khoản nợ bán ra của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Bên cạnh đó, điều chỉnh một số nhóm dịch vụ chịu thuế để phù hợp với thực tế hiện nay như: Chuyển dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư thuộc đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10%;  Quy định mức doanh thu để xác định hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh là từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.

Tuy nhiên, đối với hộ, cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế GTGT, Phó Vụ trưởng Vũ Văn Cường cho biết, trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, cần quy định chi tiết năm có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống làm căn cứ xác định là năm dương lịch trước liền kề vì thực tế có trường hợp mới ra kinh doanh chưa đủ 12 tháng, kinh doanh theo mùa vụ, tạm ngừng kinh doanh....

Ngoài ra, trên thực tế đã phát sinh một số trường hợp chuyển nhượng quyền góp vốn, chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc quyền tham gia dự án đầu tư nhưng do chưa có quy định nên phát sinh vướng mắc. Đối với chuyển nhượng quyền góp vốn, hoạt động này có liên quan đến vốn và do thuế GTGT không thu trên các hoạt động về vốn nên cần quy định chuyển nhượng quyền góp vốn không chịu thuế GTGT như chuyển nhượng vốn.
Trên cơ sở đó, đối với chuyển nhượng dự án đầu tư, trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án xử lý như sau:

Phương án 1: Chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư thuộc diện không tính thuế GTGT; thuế GTGT đầu vào sử dụng cho dự án đầu tư sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế đã được khấu trừ, hoàn thuế không bị truy hoàn. Theo Bộ Tài chính, phương án này không ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước (vì nếu tính thuế thì bên nhận chuyển nhượng được kê khai, khấu trừ). Phương án này có ưu điểm là người nhận chuyển nhượng không phải ứng số tiền lớn ra để nộp thuế và kê khai khấu trừ, chờ hoàn thuế GTGT.

Phương án 2: Chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư thuộc diện chịu thuế GTGT. Phương án này có hạn chế là không khuyến khích chuyển nhượng dự án đầu tư, vì bên nhận chuyển nhượng phải ứng trước số tiền lớn để nộp thuế và kê khai, khấu trừ và chờ hoàn thuế.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong các lĩnh vực ngoài ngành và tự tái cấu trúc giữa các thành viên trong cùng tập đoàn nên phát sinh nhiều trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư. Việc tính thuế GTGT sẽ buộc doanh nghiệp nhận chuyển nhượng và doanh nghiệp chuyển nhượng thu xếp khoản vốn lớn, làm ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ thực hiện theo phương án 1.
 (Nguồn: tapchithue; Xem chi tiết tại đây)




Xin liên hệ để biết thêm chi tiết hoặc truy cập trang web sau:
http://ketoanthuecantho.blogspot.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc thành công và phát triển!
KẾ TOÁN THUẾ CẦN THƠ
CÔNG TY TNHH TÂY NAM Á
0939 299 000 – 0924 038886
Sự hợp tác cho mọi thành công




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét